Xây dựng Cụm tình báo chiến lược A.22 Vũ_Ngọc_Nhạ

Sau cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, thế lực chính trị của Công giáo phát triển nhanh. Lúc bấy giờ, vai trò lãnh đạo Công giáo được chuyển vào tay linh mục Hoàng Quỳnh. Cuối năm 1965, do sự tranh giành quyền lực quyết liệt trong "nhóm tướng trẻ", tướng Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng Vũ Ngọc Nhạ giữ vai trò liên lạc viên giữa tướng Thiệu và Công giáo, qua sự giới thiệu của Linh mục Hoàng Quỳnh, nhằm tìm chỗ dựa chính trị. Là một điệp viên, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo sử dụng vai trò này để tạo dựng các mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến giới chính trị gia cả trong dân sự lẫn quân sự.

Bút tích được cho là của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết cho Vũ Ngọc Nhạ

Được xem như một cố vấn cho tướng Thiệu trong lĩnh vực quan hệ với giới Công giáo, ông nhanh chóng trở thành một "Ông cố vấn" lần thứ hai, với sức ảnh hưởng đến chính giới còn mạnh hơn so với thời anh em Diệm - Nhu, nhất là từ sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống vào năm 1967. Để khai thác một cách triệt để hơn sức ảnh hưởng và nguồn thông tin lớn, cấp trên của ông đã mở rộng nhiệm vụ của ông thành mạng lưới, rồi cụm tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của ông) do Nguyễn Văn Lê [5] làm Cụm trưởng, ông làm Cụm phó trực tiếp phụ trách lưới tình báo. Toàn bộ cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Trí[6], Chỉ huy phó Tình báo quân sự tại miền Nam.

Ban đầu cụm phát triển thêm Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật đều là những tình báo viên mà Vũ Ngọc Nhạ đã bắt liên lạc lúc ông bị giam ở Tòa Khâm. Sau phát triển Nguyễn Xuân Đồng, và quan trọng nhất là vào đầu năm 1967, cụm được bổ sung Lê Hữu Thúy (hay Thắng), mật danh A.25.

Các điệp viên này đều được giao nhiệm vụ "chui sâu leo cao" vào những chức vụ quan trọng để có thể thu thập thông tin chiến lược và có thể tác động đến chính quyền. Thành công lớn nhất của Cụm A.22 là cắm được một cơ sở của Lê Hữu Thúy là Huỳnh Văn Trọng (nguyên Bộ trưởng Quốc gia Việt Nam thập niên 1950), vào vị trí Phụ tá tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chính Huỳnh Văn Trọng dẫn đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời thu thập được nhiều thông tin tình báo chiến lược.